Tập đoàn TTHGroup | 0857 867 222Đặt lịch

Các loại sẹo và những điều cần biết

Sẹo là kết quả của quá trình tự chữa lành tổn thương của cơ thể. Các vết sẹo có hình dáng, kích cỡ, đặc điểm khác nhau và được phân thành các loại khác nhau. Để chọn đúng phương pháp điều trị sẹo hiệu quả, trước tiên cần xác định được loại sẹo bạn đang bị. Tham khảo ngay dấu hiệu để phân biệt các loại sẹo và phương pháp điều trị hiệu quả nhất trong bài viết sau đây nhé!

1. Sẹo được hình thành như thế nào?

Sẹo là một mô sợi được hình thành để thay thế cho một vùng da bị tổn khuyết do bỏng, tai nạn giao thông, tai nạn trong sinh hoạt thường ngày... Sẹo là kết quả của quá trình liền vết thương tự nhiên. Khi ta bị thương, vết thương sẽ trải qua 3 giai đoạn tự chữa lành gồm: Phản ứng sưng viêm, giai đoạn tăng sinh và giai đoạn sửa chữa, tái tạo. Toàn bộ quá trình này thường kéo dài từ 3 đến 6 tháng.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến khả năng làm lành vết thương tự nhiên như:

  • Kích cỡ và độ sâu vết thương.
  • Vị trí vết thương.
  • Độ tuổi và giới tính của người bị thương.
  • Cách chăm sóc vết thương hở.
  • Chế độ ăn uống khi bị thương.
  • Các yếu tố này cũng dẫn đến việc hình thành các loại sẹo khác nhau.

2. Phân biệt các loại sẹo thường gặp

Tùy theo đặc điểm, hình dạng, có thể chia sẹo ra thành các loại sau:

2.1.  Sẹo lồi

Sẹo lồi hình thành do tăng sinh collagen quá nhiều làm các mô phát triển quá mức. Sẹo lồi có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường dễ phát triển ở độ tuổi 10-30 tuổi, có thể do yếu tố cơ địa trong việc hình thành sẹo lồi.

Đặc điểm dễ nhận biết của sẹo lồi là chúng nổi cộm lên, nhô hẳn so với các vùng da xung quanh. Ban đầu, khi bắt đầu hình thành, sẹo có màu đỏ hoặc đỏ tím do nhiều mạch máu dưới da. Theo thời gian, màu vết sẹo lồi nhạt bớt đi do mạch máu co lại.

Kích thước sẹo lồi có thể tăng dần theo thời gian bởi chúng có thể phát triển khi vết thương đã lành.

2.2. Sẹo phì đại

Sẹo phì đại có hình dạng bên ngoài tương tự như sẹo lồi, nhưng bản chất hình thành nên sẹo phì đại là do sự mất cân bằng giữa hai quá trình tổng hợp - phân hủy của collagen, nhưng sự mất cân bằng này là tạm thời và chỉ xảy ra trong giai đoạn thứ hai của quá trình liền sẹo. Sẹo này nhô lên trên bề mặt da nhưng khác với sẹo lồi, chúng không phát triển hoặc lan rộng ra ngoài vùng bị thương, sẹo thường phát triển trong thời gian nhất định và có xu hướng thoái lui theo thời gian. Sẹo thường phát triển tại những vùng có sức căng da lớn (vai, lưng, gối, nếp gấp…). Sẹo phì đại có thể phẳng dần theo thời gian, nhưng ít khi phẳng hoàn toàn.

2.3. Sẹo lõm

Sẹo lõm hay còn gọi là sẹo rỗ, đúng như tên gọi sẹo có hình dạng lõm thấp hơn vùng da xung quanh, đây là một loại sẹo có hình thái ngược lại với sẹo lồi hay sẹo phì đại. Sẹo lõm được hình thành do thiếu hụt các cấu trúc cơ bản của trung bì da tạo nên tình trạng vết sẹo lõm thấp và sâu hơn bề mặt của da lành xung quanh. Sẹo lõm có thể do mụn trứng cá hoặc vết thủy đậu, chúng được phân thành nhiều loại phụ thuộc vào hình dáng như lượn sóng, chân vuông, chân đá nhọn,…

2.4. Sẹo giãn

Sẹo giãn có đặc điểm là các vết rạn da, xuất hiện các vị trí da bình thường mà không hề có tổn thương trước đó. Sẹo giãn được hình thành do sự căng giãn da quá mức trong thời gian ngắn như thai nghén, tăng hoặc giảm cân quá mức, tăng hormone corticosteroid đột ngột. Sẹo giãn có thể tồn tại vĩnh viễn hoặc có thể cải thiện bằng các biện pháp can thiệp thẩm mỹ.

2.5.  Sẹo co kéo

Trong các loại sẹo, sẹo co rút là hậu quả của những tổn thương da do tai nạn hoặc do bỏng. Sẹo co rút ăn sâu vào da, ảnh hưởng đến các dây thần kinh, gây kéo rút da và có thể ảnh hưởng đến khả năng vận động.

3. Các cách điều trị sẹo phổ biến

Sẹo là tổn thương vĩnh viễn trên da, chúng có thể mờ và nhạt màu theo thời gian nhưng không thể biến mất hoàn toàn. Tùy vào loại sẹo mà bạn đang mắc phải mà có thể sử dụng 1 trong các phương pháp điều trị sẹo như:

  • Dùng kem trị sẹo: Phương pháp này được nhiều người áp dụng, chúng có khả năng làm phẳng, mềm, mờ sẹo hoặc ngăn không cho chúng hình thành. Phương pháp này cần được thực hiện sớm trong quá trình lành thương.
  • Tiêm corticosteroid: Tiêm trực tiếp vào vết sẹo giúp làm giảm triệu chứng đau và ngứa, làm cho chúng nhỏ hơn và phẳng hơn, nhất là với sẹo lồi và sẹo phì đại. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là có thể cần thực hiện nhiều lần, tác dụng phụ tại chỗ, sẹo có thể tái phát lại sau 1 thời gian…
  • Liệu pháp laser: Một số phương pháp điều trị bằng laser có thể làm mờ sẹo đối với các sẹo thâm. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là cần thực hiện nhiều lần, có thể gây rối loạn sắc tố da vùng điều trị,…
  • Liệu pháp lăn kim: Lăn kim là phương pháp sử dụng con lăn với rất nhiều kim nhỏ trên bề mặt, nhằm tạo ra các vi tổn thương trên da giúp kích thích sinh collagen, duy trì độ đàn hồi cho da. Phương pháp này có thể áp dụng cho các loại sẹo mụn, sẹo lõm, rạn da…
  • Áp lạnh bằng nitơ lỏng: Nhằm đóng băng vết sẹo, phá vỡ các mô sẹo. Đồng thời, cải thiện tình trạng ngứa rát và kích thước sẹo.
  • Phẫu thuật điều trị sẹo: Thực hiện cắt bỏ sẹo lồi nhằm làm giảm kích thước của sẹo, giúp vận động dễ dàng hơn nếu chúng làm cản trở khả năng vận động.
  • Bóc tách đáy sẹo: Bóc tách đáy sẹo được sử dụng nhằm phá vỡ các mô sẹo dưới da. Khi thực hiện, bác sĩ đưa dụng cụ tách đáy sẹo vào dưới vết sẹo để nới lỏng, phá vỡ các sợi kết nối giữa sẹo và mô bên dưới da giúp giải phóng đáy sẹo, làm đáy sẹo lồi tự nhiên, giúp da phục hồi

Khi có nhu cầu điều trị sẹo, bạn nên tìm đến các cơ sở chuyên khoa để được khám và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Sẹo khiến nhiều người tự ti trong công việc và cuộc sống. Nhiều phương pháp, công nghệ hiện đại giúp sẹo mờ và ít được chú ý hơn. Chuyên khoa Da liễu, Bệnh viện Đa khoa TTH Quảng Bình với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, máy móc hiện đại sẽ giúp bạn khám, điều trị các vấn đề về sẹo

Nếu nghi ngờ vết thương để lại sẹo, bạn nên đi khám. 1 số vết thương cần phải khâu hoặc băng lại để giúp da nhanh lành hơn, điều này có thể giảm thiểu hình thành sẹo xấu. Ngoài ra, tùy vào vị trí và loại vết thương, bạn có thể dùng thuốc kháng sinh hoặc thuốc bôi để ngăn ngừa nhiễm trùng.

👉 Liên hệ hotline 0857 867 222 hoặc nhắn tin qua Fanpage Bệnh viện để được tư vấn và đặt lịch.
---------------------------------------
BỆNH VIỆN ĐA KHOA TTH QUẢNG BÌNH
**Vì sức khỏe và nụ cười của bạn**
- Hotline tư vấn và đăng ký: 0857 867 222
- Hotline tiếp nhận phản ánh: 0967 260 115
- Website: https://www.benhvientthquangbinh.vn/
Địa chỉ: Số 99 đường Điện Biên Phủ, phường Phú Hải, TP Đồng Hới, Quảng Bình
#BenhvienDakhoaTTHQuangBinh
#TTHQuangBinh

Tags: sẹo, trị sẹo, trị sẹo ở đồng hới, trị sẹo quảng bình, da liễu