Các dấu hiệu nhận biết đái tháo đường và cách phòng tránh
Đái tháo đường là bệnh lý mạn tính, khi bị đái tháo đường cơ thể người bệnh sẽ gặp một dạng rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, thời gian dài sẽ gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim, mạch máu, thận, mắt và thần kinh.Vì vậy, ngườu bệnh cần sớm nhận biết những dấu hiệu bệnh tiểu đường để ngăn chặn nguy cơ bệnh tiến triển.
1. Bệnh Đái tháo đường là gì?
Đái tháo đường hay còn gọi là tiểu đường là bệnh có tình trạng lượng đường trong máu luôn cao hơn mức bình thường do cơ thể bị thiếu hụt hoặc đề kháng với insulin, gây tình trạng rối loạn chuyển hóa đường trong máu. Đây là nguyên nhân cản trở cơ thể chuyển hóa các chất bột đường thành năng lượng, gây ra hiện tượng đường tích tụ tăng dần trong máu.
a. Phân loại đái tháo đường
- Đái tháo đường Type 1: do phá hủy tế bào beta tụy, dẫn đến thiếu insulin tuyệt đối.
- Đái tháo đường Type 2: do giảm chức năng của tế bào beta tụy tiến triển trên nền tảng đề kháng insulin.
- Đái tháo đường thai kỳ: là đái tháo đường được chẩn đoán trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ và không có bằng chứng về đái tháo đường type 1, type 2 trước đó.
b. Dấu hiệu nhận biết bệnh Đái tháo đường
Các triệu chứng đái tháo đường ở giai đoạn đầu có thể không xuất hiện hoặc chỉ có một vài triệu chứng không rõ ràng. Các triệu chứng xuất hiện dần theo thời gian. Thường ở bệnh nhân đái tháo đường type 1, các triệu chứng lâm sàng xuất hiện rầm rộ với biểu hiện sút cân nhanh chóng, đái nhiều, uống nhiều. Trong khi các triệu chứng ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 diễn tiến âm ỉ, ít triệu chứng, thường chỉ tình cờ phát hiện khi khám sức khỏe định kỳ hoặc nhập viện vì một lý do khác.
2. Các triệu chứng cảnh báo bệnh đái tháo đường
2.1 Thường xuyên khát nước và cơn khát tăng dần
Triệu chứng đầu tiên khi mắc bệnh đái tháo đường, chúng ta sẽ cảm thấy khát hơn bình thường. Tuy nhiên, cần phân biệt với tình trạng khát nước uống nhiều nước do mất nước.
2.2 Mệt mỏi
Trong giai đoạn mắc bệnh đái tháo đường, do thiếu insulin nên lượng glucose lưu thông trong cơ thể sẽ không được chuyển hóa thành năng lượng nuôi dưỡng cơ thể. Mặt khác, do mất nhiều năng lượng do đào thải glucose qua đường tiểu nên cơ thể mệt mỏi quá mức và suy nhược.
2.3 Cảm giác đói nhiều, ăn nhiều, giảm cân (đái tháo đường type 1 khi gây biến chứng thần kinh, người bệnh có thể bị chán ăn)
Glucose trong máu người bị đái tháo đường tăng cao, không thể sử dụng để chuyển hóa năng lượng được nên chất béo sẽ là nguồn thay thế để sử dụng tạo ra năng lượng cho cơ thể. Người bệnh ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, nhưng lại gầy sút cân nhanh.
2.4 Dễ bị nhiễm trùng, vết thương lâu lành.
Người bệnh đái tháo đường có hệ thống miễn dịch bị tổn thương, tổn thương lòng mạch, tắc mạch máu hoại tử cơ quan bộ phận, vì thế dẫn đến việc các vết thương ngoài da khó lành, đôi khi hoại tử nhiễm trùng.
2.5 Thấy tê hoặc đau nhói ở tay hoặc chân
Lượng đường trong máu cao dẫn đến tình trạng lưu thông máu kém và do đó dẫn tới tổn thương thần kinh. Tay và chân là những bộ phận cơ thể xa nhất từ trái tim nên bị đau đầu tiên.
2.6 Da ngứa, khô
Khi lượng đường dư thừa được bài tiết vào nước tiểu, nó sẽ lấy theo chất lỏng từ các mô khác của người bệnh, trong đó có da. Da khô có thể khiến người bệnh ngứa ngáy, những vết xước khô có thể dẫn đến nứt trên da và thậm chí gây ra nhiều bệnh. Một lý do khác gây ngứa da là tình trạng nhiễm nấm men – thường gặp ở người bị tiểu đường.
2.7 Giảm thị lực
Khi nhìn mờ nhưng không phải bệnh lý về mắt thì nó có thể là một biểu hiện của bệnh tiểu đường trong giai đoạn sớm do chảy máu, bong võng mạc, tổn thương vi mạch võng mạc mắt. Nếu ổn định lượng đường trong máu thì thị lực có thể cải thiện. Ngược lại, khi bệnh tiểu đường không được cải thiện có thể dẫn tới mù lòa.
2.8 Nam giới có thể bị giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương dương.
Tình trạng thất bại thường xuyên trong quan hệ vợ chồng, trên bảo dưới không nghe đến từ nguyên nhân do đường trong máu cao kéo dài mất kiểm soát. Hầu hết phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ không có triệu chứng. Một số trường hợp có biểu hiện thấy khát, đi tiểu nhiều hơn.
Những người bệnh đái tháo đường có nguy cơ cao phát triển một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Mức đường huyết trong máu cao lâu dài có thể dẫn đến các bệnh nghiêm trọng ảnh hưởng đến tim, mạch máu, mắt, thận, thần kinh và răng. Ngoài ra, những người đái tháo đường cũng có nguy cơ cao mắc các bệnh nhiễm khuẩn.
3. Cách phòng tránh bệnh Đái tháo đường
3.1 Kiểm soát cân nặng
Kiểm soát trọng lượng cơ thể bằng cách giảm cân, qua đó giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ khuyến cáo những người bị tiền đái tháo đường (đường huyết tăng cao nhưng chưa đạt ngưỡng chẩn đoán tiểu đường) nên giảm ít nhất 7% – 10% trọng lượng cơ thể để ngăn ngừa bệnh tiến triển.
3.2 Nói không với thuốc lá
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường 50% so với người không hút thuốc, đặc biệt ở nữ giới. Do đó, nên bỏ hút thuốc/không hút để phòng ngừa đái tháo đường. Người bệnh đái tháo đường không nên hút thuốc lá, hạn chế ở gần khu vực khói thuốc lá.
3.3 Uống rượu với kiều lượng vừa phải
Lượng rượu vừa phải ở nữ giới và nam giới trên 65 tuổi khoảng 1 đơn vị/ngày (tương đương 330ml bia hơi, 100ml rượu vang, 30ml rượu mạnh); nam giới dưới 65 tuổi tối đa 2 đơn vị mỗi ngày. Việc sử dụng rượu quá nhiều có thể gây viêm tụy mãn tính, giảm khả năng tiết insulin vốn có nhiệm vụ kiểm soát lượng đường trong máu, dẫn đến đái tháo đường.
3.4 Tăng cường vận động thể lực
Hoạt động thể chất thường xuyên không chỉ tốt cho việc phòng bệnh tiểu đường mà còn mang đến nhiều lợi ích cho cơ thể:
- Hoạt động thể chất giúp giảm cân nặng, đây là yếu tố giúp giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường
- Vận động nhiều còn giúp giảm lượng đường trong máu.
- Tăng độ nhạy cảm với insulin, giữ lượng đường trong máu ở mức bình thường.
3.5 Thường xuyên kiểm tra lượng đường
Người bệnh cũng nên kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên theo tư vấn của bác sĩ về thời gian và mức đường huyết mục tiêu. Giữ lượng đường trong máu càng gần mức mục tiêu càng tốt giúp ngăn ngừa hoặc trì hoãn các biến chứng liên quan đến bệnh đái tháo đường.
Để giảm thiểu nguy cơ bị bệnh đái tháo đường, điều bạn cần làm là kiểm soát lượng đường trong máu và cải thiện sự tuần hoàn của cơ thể. Nếu phát hiện sớm, việc điều trị bệnh sẽ dễ dàng hơn và nó không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của bạn. Nếu bạn nhận thấy mình có bất kỳ triệu chứng nào trong số những triệu chứng này, đặc biệt là khi có vài triệu chứng xuất hiện cùng lúc, thì cần đi khám càng sớm càng tốt. Để được tư vấn với các bác sĩ chuyên khoa Tim mạch - Nội tiết Bệnh viện Đa khoa TTH Quảng Bình, quý khách hàng vui lòng liên hệ đến: 0857 867 222 hoặc tham gia Câu lạc bộ Cao huyết áp - ĐTĐ Quảng Bình qua link: https://zalo.me/g/gtvhjp846
---------------------------------------
BỆNH VIỆN ĐA KHOA TTH QUẢNG BÌNH
**Vì sức khỏe và nụ cười của bạn**
- Hotline: 0857 867 222
- Website: https://www.benhvientthquangbinh.vn/
Địa chỉ: Số 99 đường Điện Biên Phủ, phường Phú Hải, TP Đồng Hới, Quảng Bình