5 Căn bệnh cơ xương khớp thường gặp và cách phòng tránh
Bệnh cơ xương khớp thường phổ biến ở độ tuổi khoảng 45 trở lên. Nhưng hiện nay, căn bệnh này đang có dấu hiệu trẻ hóa và tỷ lệ mắc ngày càng tăng. Vì thế việc tìm hiểu về các bệnh cơ xương khớp thường gặp cũng như cách phòng tránh là rất cần thiết, dưới đây là 5 căn bệnh cơ xương khớp thường gặp, bạn đọc cùng tìm hiểu nhé.
1. Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Thoát vị đĩa đệm có thể xảy ra ở hầu hết các độ tuổi, đặc biệt là độ tuổi từ 30 - 55 (độ tuổi lao động). Hiện nay có đến 30 % dân số nước ta có nguy cơ mắc thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng rất đa dạng, có thể là kết quả của quá trình thoái hóa tự nhiên hoặc do chấn thương cột sống. Dưới đây là một số nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng thường gặp:
- Do tuổi già: Hệ cơ xương khớp ở người có xu hướng yếu dần đi khi về già, vì thế cột sống của người có tuổi cao rất dễ bị tổn thương.
- Chấn thương do gặp phải những tai nạn như: tại nạn giao thông, tại nạn lao động do thường xuyên mang vác vật nặng trên lưng gây tổn thương đến vị trí đĩa đệm.
- Làm việc quá sức, mang vác vật nặng hoặc ngồi sai tư thế khi làm việc, học tập cũng có thể khiến nguy cơ thoát vị đĩa đệm tăng lên.
- Do cân nặng: trọng lượng cơ thể quá lớn có thể gây áp lực lớn lên cột sống làm tăng nguy cơ thoát vị đĩa đệm.
- Những nguy cơ bẩm sinh như: gù, vẹo cột sống,... cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh
- Các yếu tố khác: hút thuốc lá, lối sống ít vận động
2. Thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp là bệnh hay gặp ở nhóm tuổi trung niên trở lên, ở cả 2 giới bất kể dân tộc, vị trí địa lý, điều kiện kinh tế khác. Tại Việt Nam, thoái hóa khớp chiếm đến 30 - 35% người mắc bệnh cơ xương khớp. Bệnh diễn biến âm thầm, triệu chứng giai đoạn sớm có thể không rõ ràng cho đến nhiều năm sau đó, khiến việc kiểm soát và điều trị bệnh chậm trễ, từ đó là tăng nguy cơ dẫn đến biến dạng khớp, ảnh hưởng khả năng sinh hoạt.
Một số nguyên nhân gây thoái hóa khớp như:
- Thoái hóa khớp nguyên phát: lão hóa là nguyên nhân chính, bên cạnh đó có sự tham gia của yếu tố di truyền, nội tiết, chuyển hóa…
- Thoái hóa khớp thứ phát: có thể gặp ở mọi lứa tuổi, do chấn thương khiến trục khớp thay đổi hoặc bất thường trục khớp bẩm sinh hoặc do viêm khớp tái phát nhiều lần.
- Bên cạnh đó thừa cân, béo phì làm cho các khớp như đầu gối, háng… phải chịu thêm áp lực, làm tăng nguy cơ chấn thương cũng như thúc đẩy quá trình thoái hóa khớp diễn ra nhanh hơn
Điều trị thoái hóa khớp đòi hỏi bệnh nhân phải thay đổi thói quen sinh hoạt, chế độ ăn, lối sống lành mạnh kết hợp với các thuốc chống thoái hóa khớp tác dụng chậm. Hiện nay, bệnh viện TTH Quảng Bình đã triển khai kỹ thuật tiêm chất nhờn vào ổ khớp, giúp giảm triệu chứng và cải thiện khả năng vận động khớp rất hiệu quả.
3. Bệnh Gút
Bệnh gút (còn gọi là gout hay thống phong) là bệnh viêm khớp do vi tinh thể, đặc trưng bởi những đợt viêm khớp cấp tái phát, có lắng đọng tinh thể muối urat natri trong các mô, gây ra do tăng acid uric trong máu. Đây là bệnh thuộc nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa. Thời đại ngày nay đã xóa tan quan niệm trước đây cho rằng gút là “bệnh nhà giàu” và chỉ có ảnh hưởng đến đàn ông, thực tế cho thấy, phụ nữ cũng có nguy cơ mắc bệnh đặc biệt nhóm phụ nữ đã mãn kinh . Bên cạnh đó, khi đời sống được nâng cao hơn, nguồn thực phẩm đa dạng và chế độ ăn không lành mạnh, lối sống tĩnh tại đã khiến căn bệnh này ngày càng phổ biến và trẻ hóa. Gút chia làm hai loại: gút nguyên phát (đa số các trường hợp) và gút thứ phát.
- Gút nguyên phát: Chưa rõ nguyên nhân, chế độ ăn thực phẩm có chứa nhiều purin như: gan, thận, tôm, cua, lòng đỏ trứng, nấm… được xem là làm nặng thêm bệnh. Gặp 95% ở nam giới,độ tuổi thường gặp là 30-60 tuổi.
- Gút thứ phát: Một số hiếm do các rối loạn về gen (nguyên nhân di truyền).
Ngoài ra có thể do tăng sản xuất acid uric hoặc giảm đào thải acid uric hoặc cả hai. có thể gặp ở các bệnh nhân:
- Suy thận
- Các bệnh về máu: bệnh bạch cầu cấp.
- Dùng thuốc lợi tiểu như Furosemid, Thiazid, Acetazolamid…
- Sử dụng các thuốc ức chế tế bào để điều trị các bệnh ác tính; thuốc chống lao(ethambutol, pyrazinamid)…
Các yếu tố nguy cơ của bệnh là tăng huyết áp, béo phì và hội chứng chuyển hóa,tăng insulin máu và sự đề kháng insulin, uống nhiều rượu.
4. Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp hay còn gọi là bệnh viêm đa khớp dạng thấp. Bệnh gây viêm khớp dẫn đến sưng, đau, cứng và biến dạng khớp, phần lớn là các khớp ở bàn tay, bàn chân và khớp gối. Bệnh cũng ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể như phổi, mắt, tim, mạch máu, da và dây thần kinh nhưng khá hiếm gặp. Viêm khớp dạng thấp có diễn biến kéo dài gây hậu quả tàn phế cho bệnh nhân. Bệnh hay gặp ở nữ, trung tuổi, có thể kèm theo các bệnh lý tự miễn dịch khác như lupus ban đỏ, xơ cứng bì…
Nguyên nhân của viêm khớp dạng thấp vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Về cơ bản, viêm khớp được cho là do sự tương tác giữa các yếu tố di truyền, môi trường, hormone, miễn dịch và nhiễm virus. Bên cạnh đó, các yếu tố về kinh tế xã hội, tâm lý và lối sống cũng ảnh hưởng đến sự phát triển và hậu quả của bệnh. Điều trị bệnh có hiệu quả đòi hỏi 1 quá trình kiên trì của người bệnh dưới sự thăm khám của các bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp.
5. Loãng xương
Loãng xương là một căn bệnh diễn biến âm thầm, không có triệu chứng lâm sàng đặc trưng, chỉ biểu hiện khi có biến chứng. Căn bệnh này làm cho xương bị yếu đi, cấu trúc xương bị tổn hại làm cho xương giòn, dễ gãy và hậu quả cuối cùng là gãy xương. Các vị trí thường gặp do gãy xương trong loãng xương là: gãy đầu dưới xương quay, gãy cổ xương đùi, xẹp đốt sống sau 1 sang chấn nhẹ. Biến chứng của bệnh để lại hậu quả nặng nề: 20% gãy cổ xương đùi sẽ tử vong trong vòng 6 tháng đầu nếu không điều trị phù hợp, 50% mất khả năng đi lại, 25% cần sự trợ giúp của y tá chăm sóc tại nhà, chi phí điều trị cực kỳ tốn kém.
a. Một số nguyên nhân gây loãng xương như:
- Loãng xương người già (Loãng xương tiên phát): gặp ở cả 2 giới, trên 70 tuổi
- Loãng xương sau mãn kinh: Loãng xương sau mãn kinh làm nặng hơn tình trạng loãng xương do tuổi ở phụ nữ do giảm đột ngột oestrogen khi mãn kinh. Gặp ở nữ giới sau mãn kinh hoặc sau cắt bỏ buồng trứng 5 - 10 năm
- Loãng xương thứ phát: Bệnh sẽ tiến triển sớm hơn, nhiều biến chứng hơn… nếu người bệnh có thêm một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ dưới đây: thiểu năng các tuyến sinh dục; bệnh nội tiết: cường tuyến giáp, cường tuyến cận giáp, cường tuyến vỏ thượng thận; bệnh mạn tính đường tiêu hoá làm hạn chế hấp thu calci, vitamin D, protein; suy thận mạn; bệnh xương khớp mạn tính đặc biệt là viêm khớp dạng thấp; Sử dụng dài hạn một số thuốc: chống động kinh, thuốc điều trị tiểu đường, thuốc chống đông và đặc biệt là nhóm thuốc
kháng viêm Corticosteroid.
b. Cách phòng tránh:
Cách phòng ngừa bệnh cơ xương khớp hiệu quả nhất là chú ý đến chế độ ăn và sinh hoạt:
- Kiểm soát cân nặng: Cân nặng có ảnh hưởng đến tiến triển của bệnh, cân nặng hợp lý giúp giảm tình trạng tăng acid uric và giảm sức ép lên các khớp, giảm yếu tố nguy cơ loãng xương.
- Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Hạn chế thực phẩm chứa nhiều purin là ưu tiên hàng đầu, bên cạnh đó cần bổ sung đủ nước và chất xơ cũng như nguồn protein từ đậu, trứng, sữa; Bổ sung hợp lý calci và vitamin D và hạn chế bia, rượu mạnh, các loại nước có gas..
- Lối sống lành mạnh: Tập thể dục và tham gia các hoạt động ngoài trời là một việc lý tưởng để nâng cao sức khỏe bản thân, tránh làm việc với cường độ cao gây áp lực cho sức khỏe. Mặt khác, chủ động khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện bệnh và điều trị sớm
- Loại bỏ những thói quen không tốt cho hệ xương khớp: không nên giữ quá lâu một tư thế: do đặc thù công việc chẳng hạn như lái xe, may quần áo hoặc dân văn phòng phải thường xuyên ngồi làm việc với máy tính,… dẫn đến nhóm người này phải giữ cổ, lưng, tay quá lâu một tư thế làm tăng áp lực lên hệ thống xương khớp, tạo tư thế xấu, dễ dẫn đến các bệnh: thoát vị đĩa đệm, hội chứng cánh tay cổ.... Vì vậy việc thay đổi tư thế khi làm việc là rất cần thiết. Bên cạnh đó, các thói quen trong sinh hoạt hằng ngày cũng nên thay đổi như: không nên kê gối quá cao khi ngủ, tránh nằm những loại đệm quá mềm, không đặt máy tính quá thấp, không nên cúi gằm khi dùng điện thoại, tránh bê vác vật nặng sai tư thế, nếu vật quá nặng cần gọi người hỗ trợ.
BS.CKI Dương Thị Khánh Linh - Trưởng khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa TTH Quảng Bình cho biết: “ Bệnh cơ xương khớp là một vấn đề của thời đại, chúng ta cần thay đổi lối sống, thói quen sinh hoạt để giảm nguy cơ mắc bệnh; bên cạnh đó, cần thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị bệnh sớm, giảm nguy cơ dẫn đến biến chứng nặng nề.”
Bệnh viện TTH Quảng Bình: Cơ sở y tế có đội ngũ bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp hàng đầu; hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại; thuốc, công cụ hỗ trợ tân tiến nhất, là địa chỉ đáng tin cậy cho khách hàng khi đến sàng lọc, điều trị bệnh cơ xương khớp tối ưu. Bệnh viện Đa khoa TTH Quảng Bình là một trong những địa chỉ y tế tin cậy để khám và điều trị các bệnh về xương khớp. Hãy gọi đến số 0857 867 222 để được chúng tôi hỗ trợ đặt lịch khám sớm nhất.
---------------------------------------
BỆNH VIỆN ĐA KHOA TTH QUẢNG BÌNH
**Vì sức khỏe và nụ cười của bạn**
- Hotline: 0857 867 222
- Website: https://www.benhvientthquangbinh.vn/
Địa chỉ: Số 99 đường Điện Biên Phủ, phường Phú Hải, TP Đồng Hới, Quảng Bình